BLOG

QUẢN LÝ BỆNH HẠI NHÓM BẦU BÍ

12/08/2020

-

Nguyễn Thùy

-

0 Bình luận

QUẢN LÝ BỆNH HẠI NHÓM BẦU BÍ

1. Thối gốc (Rhizoctonia solani)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Rễ bị thối nhũng, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh. Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con đến khi có 1-2 lá thật, bệnh còn làm thối đít trái. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nấm lưu tồn trên thân lúa, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa gặt lúa.

Khả năng gây hại

Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, cổ rễ bị thối nhũn, cây con dễ ngã gục ngang mặt đất, lá non vẫn xanh. Cây đậu vẫn còn tươi, sau đó cây bị héo chết. Vào những ngày có ẩm độ cao những cây bị gãy gục, xung quanh gốc có tơ nấm màu trắng trên mặt đất.

Biện pháp quản lý

  • Không dùng rơm rạ lúa bị bệnh đốm vằn tủ liếp trồng dưa.
  • Không dùng nước tưới từ mương lục bình.
  • Đốt rơm rạ trước khi trồng dưa.
  • Phun thuốc: hoạt chất Azoxystrobin, Validamycin hay hỗn hợp các hoạt chất

(Mandipropamid + Chlorothalonil)… phun 7 - 10 ngày/lần.

2. Đốm phấn (Pseudoperonospora cubensis)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh phát sinh, lây lan nhanh khi gặp điều kiện ẩm độ không khí cao. Bệnh xuất hiện quanh năm trên ruộng dưa, nhưng nặng nhất là trong mùa mưa và gây hại nặng giai đoạn cây trổ hoa đến mang trái.

Khả năng gây hại

Bệnh hại chủ yếu trên lá. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ, màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu vàng. Đốm bệnh có hình góc cạnh. Khi gặp ẩm độ cao, ngay vết bệnh ở mặt dưới của lá có xuất hiện một lớp phấn màu tím đỏ, đây là bào tử của nấm bệnh. Các vết bệnh liên kết lại thành những vùng màu nâu nhạt. Cây bị bệnh nặng cho năng suất và chất lượng trái kém, có thể cây bị chết.

Biện pháp quản lý

  • Sử dụng giống kháng hay chống chịu bệnh tốt.
  • Không trồng liên tục cây cùng họ bầu bí.
  • Luống trồng thoát nước tốt; dùng màng phủ nông nghiệp.
  • Tránh đất bắn vào các lá gốc bằng cách ngắt bỏ bớt các lá gốc, lá bệnh.
  • Vệ sinh ruộng trồng, tiêu hủy các cây lá bị bệnh, dọn sạch tàn dư sau mỗi vụ trồng.
  • Phòng trị bằng Revus Opti 440SC hoặc các sản phẩm có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl…

3. Nứt thân chảy nhựa (Mycosphaerella melonis)

Điều kiện phát sinh, phát triển

  • Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20-300C, chết ở 550C trong 10 phút, độ pH thích hợp 5,7 - 6,4
  • Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển.

Khả năng gây hại

  • Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi có trên lá và cuống quả. Trên thân lúc đầu là đốm hình bầu dục, màu vàng nhạt, hơi lõm, từ đó có giọt nhựa màu đỏ ứa ra. Về sau vết bệnh chuyển màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài màu nâu xám và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có các hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm), cả cây có thể bị khô chết.

Biện pháp quản lý

  • Thu dọn tàn dư cây trồng.
  • Bón phân đạm vừa phải.
  • Phun đẫm lên cây và gốc dưa bằng các thuốc: Revus Opti 440SC hay các hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl…​​​​​​​

4. Thán thư (Colletotrichum lagenarium)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Bào tử nấm bệnh phát triển mạnh khi thời tiết nóng, mưa nhiều, từ khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch. Bệnh truyền qua tàn dư cây bệnh vụ trước và qua hạt giống truyền bệnh qua vụ sau. Nấm bệnh phá hại nhiều loại cây rau màu họ dây leo như dưa leo, dưa hấu, khổ qua, bầu, bí,…

Khả năng gây hại

Bệnh gây hại mạnh là giai đoạn hình thành trái.

Trên lá già, đốm bệnh lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu và có các đường vòng đồng tâm.

Trên thân, vết bệnh lõm màu vàng, sau trở thành màu đen, trên mặt vết lõm có lớp phấn dày màu hồng. Nếu trời khô, ở chỗ vết bệnh tạo thành các đường nứt, khi trời ẩm các mô bào cây bị thối.

Trên trái, vết bệnh có màu nâu đen, tròn, đường kính khoảng 2-4mm, có vòng, khoang hơi lõm vào vỏ, xung quanh có đường viền vàng nâu, giữa vết bệnh nứt ra và sinh lớp phấn màu hồng (phân sinh bào tử). Bệnh nặng, vết bệnh hòa vào nhau tạo thành các vết loét ăn sâu vào trong thịt trái, ảnh hưởng đến phẩm chất trái.

Biện pháp quản lý

  • Không để hạt giống từ những trái bị bệnh.
  • Thu dọn kỹ tàn dư cây bệnh trên đồng.
  • Cày sâu, luân canh cây trồng khác họ.
  • Tiêu hủy các bộ phận bị bệnh và khử vôi.
  • Làm luống cao, thoát nước tốt.
  • Cân đối đạm, lân và kali.
  • Phun Revus Opti 440SC luân phiên với các sản phẩm có hoạt chất Azoxystrobin…

​​​​​​​5. Phấn trắng (Erysiphe sp.)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Là nấm chuyên tính ngoại kí sinh (sợi nấm bám dày đặc trên lá và tạo vòi hút đâm sâu vào tế bào để hút dinh dưỡng. Bệnh lây lan bằng bào tử phân sinh nhờ không khí và gió, bào tử phân sinh nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 20-240C và ẩm độ không khí cao.

Khả năng gây hại

Bệnh gây hại trên lá, thân, cành và gây hại ngay từ thời kỳ cây con.

Ban đầu bệnh xuất hiện những đốm nhỏ xanh vàng, bao phủ một lớp nấm xám dày đặc như bột phấn sau đó bao phủ hết cả phiến lá. Lá bị bệnh chuyển từ màu xanh sang vàng, lá bị khô cháy và dễ rụng. Lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô rụng và chết.

Biện pháp quản lý

  • Thu dọn tàn dư bị bệnh đem đốt hoặc vùi dưới hố ủ phân.
  • Tiêu diệt cỏ dại ven bờ, sử dụng giống chống bệnh.
  • Phun các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Azoxystrobin hay các hỗn hợp

(Mandipropamid + Chlorothalonil)… Phòng trừ kịp thời ngay khi phát hiện bệnh.

6.Cháy lá giữa thân và hiện tượng khô đọt (Phytophthora sp.)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh gây hại nặng trên ruộng trồng dày, ngập úng, khó thoát nước trong mùa mưa.

Khả năng gây hại

Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân. Bệnh gây hại ở bất kỳ vị trí nào trên lá, nhưng thường từ rìa lá vào, vùng bệnh như bị úng nước, chuyển sang màu đen và thối nhũn. Trên trái bệnh chỉ gây hại trên trái non làm trái bị thối đen và nhũn ra. Ở thân, bệnh thường gây hại ở phần cổ rễ làm nơi đây bị úng nước mất màu, sau đó chuyển sang màu nâu đen nhũn ra và gây thối cả rễ, làm cây chết.

Biện pháp quản lý

  • Thoát nước tốt cho ruộng dưa.
  • Tránh trồng quá dày, không tưới nước đẫm vào chiều mát.
  • Phun thuốc có hỗn hợp hoạt chất (Mandipropamid+Chlorothalonil) hay Azoxystrobin, Metalaxyl, Thiophanate-Methyl…

​​​​​​​7. Héo vi khuẩn (Erwinia sp. và Pseudomonas sp.)

Điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh vi khuẩn xuất hiện sẽ xảy ra hiện tượng héo xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại, sau vài ngày như vậy cây không hồi phục nữa và chết.

Khả năng gây hại

Triệu chứng điển hình rất dễ nhận biết là cây dưa đang sinh trưởng tốt thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Cắt ngang gốc thân cây bệnh thấy các mạch dẫn bị nâu đen, bóp mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ tiết ra chất dịch vi khuẩn màu trắng đục. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.

Biện pháp quản lý

Không để ruộng đọng nước hoặc quá ẩm, không trồng cây ngay sau khi mưa, đất còn quá ướt.

Nhổ bỏ tiêu hủy cây bị bệnh.

Khi cây lớn phun ngừa bằng các thuốc kháng sinh Kasugamycin, Streptomycin, các thuốc gốc đồng hoặc hỗn hợp thuốc kháng sinh với đồng.

TAGS :

TIN MỚI