BLOG

Quy trình trồng tỏi năng suất cao

19/11/2019

-

Nguyễn Thùy

-

0 Bình luận

1. Thời vụ trồng tỏi

1.1. Căn cứ xác định thời vụ trồng tỏi

1.1.1. Căn cứ vào đặc điểm của giống tỏi

Căn cứ vào thời gian sinh trưởng dài hay ngắn, khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh hay chậm; khả năng chịu rét, chịu nóng, chịu ẩm của các loại giống tỏi khác nhau để chọn thời vụ trồng cho thích hợp. 

1.1.2. Căn cứ vào yêu cầu sinh thái của cây tỏi

Tỏi là cây ưa ánh sáng, ánh sáng đầy đủ cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt. Ngược lại thiếu ánh sáng, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp.

1.1.3. Căn cứ vào cơ cấu mùa vụ

Những vùng chuyên tỏi, có thể trồng quanh năm đối với giống tỏi ăn lá (tỏi tây). Có thể trồng 2 vụ lúa sớm 1 vụ tỏi Thu - Đông. Hoặc trồng 2 vụ lúa sau đó trồng vụ Đông - xuân .

1.2. Giới thiệu một số thời vụ trồng tỏi chủ yếu

1.2.1. Thời vụ trồng tỏi ta

- Thời vụ trồng tỏi thích hợp ở vùng đồng bằng sông Hồng từ 25 đên 5 tháng 10, thu hoạch 30/1 - 5/2.

- Ở khu vực miền Trung trồng tháng 9 - 10, thu hoạch tháng 1 - 2.

2. Chọn tỏi giống và xử lý tỏi giống trước khi cấy

Chọn tỏi giống và xử lý giống trước khi trồng là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng được áp dụng nhiều trong sản xuất cây rau nói chung và cây tỏi nói riêng. Xử lý củ trước khi gieo trồng nhằm thúc đẩy mầm, kích thích mầm mọc nhanh, tăng cường sự trao đổi chất trong củ, thúc đẩy sinh trưởng phát triển, hạn chế tác hại của sâu bệnh. Có nhiều phương pháp xử lý như: ngâm nước, xử lý hóa chất…

2.1. Chọn tỏi giống

Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc, khối lượng củ 12-15g, có 10-12 nhánh. Mỗi ha cần 1 tấn tỏi giống (37kg/sào Bắc Bộ). Củ tỏi giống được chọn từ củ tỏi khoẻ, sạch nguồn sâu bệnh với các biểu hiện: Củ được thu hoạch từ ruộng không bị sâu bệnh, đồng đều, không có vết bệnh, các nhánh (múi) căng đều không thối hoặc đàn hồi, màu sắc vỏ củ sáng.

2.2. Xử lý tỏi giống bằng nước và nước vôi

Xử lý củ giống trước khi trồng với các bước: Tách nhánh, loại bỏ nhánh lép, có dấu hiệu thối hỏng, ngâm nhánh tỏi vào nước hoặc dung dịch nước vôi 5%.

Củ giống được ngâm nước trước khi cấy chắc chắn sẽ mọc mầm nhanh hơn, sinh trưởng tốt hơn, làm tăng độ đồng đều của cây giống.

Dùng nước sạch, ít tạp khuẩn để ngâm. Thời gian ngâm củ tỏi giống từ 2 - 3 giờ, sau đó vớt để cho ráo nước mới đem cấy (trồng). Không nên ngâm nước quá lâu vì sẽ làm các chất hòa tan trong củ bị thất thoát.

Sau khi ngâm nước các ánh tỏi giống được cắm vào đất có đủ độ ẩm. Nếu đất khô quá phải được tưới đảm bảo đủ ẩm mới được cắm tỏi.

 2.3. Xử lý tỏi giống bằng chất hóa học

Xử lý các ánh hành bằng chất hóa học là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt nhằm hạn chế nấm bệnh.

- Xử lý củ giống bằng dung dịch thuốc Nativo 750 WG nồng độ 1% (3gr/3lít nước) + thuốc trừ vi khuẩn Kasumin 2L (1%) phun ướt đều cho củ hành giống trước khi trồng.

 - Hoặc xử lý củ giống bằng cách ngâm vào dung dịch Rovral 50 WP 2% + Kasumin 2 L (1%) trong thời gian 5 - 10 phút.

3. Khoảng cách trồng cây tỏi

3.1. Căn cứ xác định mật độ khoảng cách trồng tỏi

Tùy theo tình hình cụ thể để lựa chọn mật độ và khoảng cách trồng cho phù hợp.

Nguyên tắc chung là:

- Không trồng quá dầy, cây sẽ sinh trưởng, phát triển yếu

- Không trồng quá thưa, lãng phí đất, nhiều cỏ dại, năng suất trên đơn vị diện tích thấp.

Các căn cứ chủ yếu để xác định mật độ khoảng cách trồng hợp lý:

* Dựa vào thời gian sinh trưởng và khả năng sinh trưởng của giống:

Giống có thời gian sinh trưởng dài, khả năng sinh trưởng mạnh thì trồng thưa hơn.

* Dựa vào độ màu mỡ của đất đai:

 - Đất tốt, nhiều dinh dưỡng, tưới tiêu thuận lợi thì trồng thưa.

 - Đất xấu, nghèo dinh dưỡng, không chủ động được tưới tiêu thì trồng dày để tăng số cây, tăng năng suất tổng thể.

* Dựa vào khả năng đầu tư thâm canh:

- Nếu có khả năng chăm sóc tốt, mức độ đầu tư thâm canh cao thì nên trồng mật độ thưa hơn.

- Nếu khả năng chăm sóc, mức độ đầu tư thâm canh có hạn thì nên trồng mật độ vừa phải đến trồng dầy hơn.

* Dựa vào phương thức canh tác:

- Nếu trên luống chỉ trồng thuần một mình cây tỏi thì mật độ khoảng cách trồng dày hơn.

Ruộng tỏi trồng thuần và tỏi trồng xen

3.2. Khoảng cách trồng cụ thể

* Khoảng cách trồng tỏi ta:

- Hàng cách hàng trồng tỏi ta: 20cm.

Khoảng cách mỗi nhánh tỏi trên một hàng: 8 - 10 cm

4. Kỹ thuật trồng tỏi

4.1. Kỹ thuật trồng tỏi ta

 Trồng tỏi củ được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Chọn củ giống

- Để cây tỏi sinh trưởng, phát triển tốt, cần chọn những củ tỏi chắc, trọng lượng củ từ 12 - 15g, có 10 - 12 nhánh.

Bước 2: Tách và lựa chọn các ánh

Tách ánh tỏi

- Chọn những ánh tỏi to đều, chắc, loại bỏ những ánh lép, nhỏ, ánh sâu bệnh và giập nát

Bước 3: Ngâm tỏi vào nước

- Ngâm các ánh tỏi vào nước sạch khoảng 2 - 3 giờ rồi vớt cho ráo và cắm vào luống.

Bước 4: Cắm các ánh tỏi trên luống theo khoảng cách đã định

- Ấn sâu xuông đất 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên

Luống được trộn phân và đất - Cắm tỏi vào luống

 

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc cây tỏi - Bộ NN&PT NT

 

TAGS :

Goldtech G05 năng suất cao Phân hữu cơ sinh học trongtoi

TIN MỚI