BLOG

Ruồi đục quả và biện pháp phòng trừ

24/07/2019

-

Nguyễn Thùy

-

0 Bình luận

Ruồi vàng, ruồi đục trái

Tên khoa học: Bactrocera sp., Bactrocera spp., Bactrocera dorsalis

Họ: Tephritidae

Bộ: Diptera

Đặc điểm hình thái của ruồi đục trái Bactrocera spp.

- Trứng hình hạt gạo, màu trắng sữa, khi sắp nở chuyển sang vàng nhạt.

- Dòi mới nở dài khoảng 1,5mm, phát triển đầy đủ dài 6-8mm, màu vàng nhạt, miệng có móc. Khi phát triển đầy đủ, Dòi búng mình rơi xuống đất để hóa nhộng trong đất, thời gian nhộng khoảng 7-12 ngày hoặc dài hơn nếu gặp lạnh. Dòi làm nhộng sâu trong đất khoảng 3-7cm.

- Nhộng dài 5-7mm, có hình trứng dài, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.

- Thành trùng (ruồi trưởng thành) có cơ thể dài 6-9 mm, sải cánh rộng 1,3 mm, đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước mầu nâu đỏ với 6 chấm đỏ mầu đen. Thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống nhưng nhỏ hơn ruồi nhà, hoạt động vào ban ngày. Thành trùng hiện diện suốt năm, thời gian sống của thành trùng 1 - 3 tháng. Thành trùng có thể bay rất xa.

Đặc điểm, khả năng gây hại của ruồi đục trái (đục quả) Bactrocera spp.

Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng (thường đẻ trứng lên quả phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả). Vỏ trái nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa (mủ), tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối trái và có thể bị rụng hoặc vẫn đeo trên cây.

Dòi nở ra đục ăn trong quả (ăn thịt trái). Một quả có thể bị nhiều đòi phá hại. Quả bị dòi đục thường bị bội nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại từ khi quả già đến chín. Ruồi tấn công lên nhiều loại cây trồng, trái cây bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được. 

Đối với cây ổi, dòi nở ra đục ăn trong trái, tuổi càng lớn càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Bị hại nặng trái rụng hàng loạt. Trong 1 trái có thể có nhiều con dòi phá hại. Khi trưởngthành dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng.

Biện pháp quản lý ruồi đục trái Bactrocera spp.

  • Biện pháp cơ học

- Đối với một số loại cây ăn trái (quả) phải sử dụng bao trái, bao quả có tác dụng hạn chế ruồi rất tốt.

- Không trồng xen các loại cây ăn trái khác trong vườn. Loại bỏ các cây là ký chủ của ruồi.

- Thu hoạch kịp thời, không để quả chín lâu trên cây.

- Vệ sinh đồng ruộng, vườn trồng, thường xuyên thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi ruồi lưu tồn.

  • Biện pháp hóa học

- Khi quả già chưa chín, phun trừ ruồi và dòi bằng các thuốc có hoạt chất Cyromazine…

- Phun mồi protein thủy phân (SOFRI Protein thuỷ phân): Do ruồi cái thích ăn protein để phát triển trứng, ruồi đực phát triển tinh trùng, nên có thể dùng bả mồi protein để diệt ruồi.

- Dùng Pheromone bẫy ruồi đực và phun thuốc có hoạt chất Cyromazine khi ruồi mới đẻ trứng hay giòi mới nở.

- Sử dụng bẫy màu vàng sẽ hấp dẫn ruồi. Sử dụng bẫy ViZubon - D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5 - 10m/1 bẫy).

- Dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol, bắt chước kích thích tố sinh dục của ruồi cái để dẫn dụ ruồi đực. Trong thuốc có pha thêm thuốc trừ sâu Naled nên sẽ diệt ruồi đực. Ruồi cái còn lại sẽ đẻ ra trứng không có đực thụ tinh nên trứng không nở được.

TAGS :

Goldtech G05 Phân hữu cơ sinh học

TIN MỚI