Vai Trò Của Silic Đối Với Cây Trồng
27/12/2019
-Nguyễn Thùy
-0 Bình luận
Vai Trò Của Silic Đối Với Cây Trồng
1. Silic Trong Cây Trồng
Tất cả các loại cây trồng đặc biệt là cây hòa thảo đều chứa Silic, đây cũng là nguyên tố cao nhất trong các yếu tố gần gấp 3 lần kali ( kali là nguyên tố cao thứ 2 )
Cây trồng kể cả cây non cũng có thể lấy được Silic trong đất dưới dạng ion SiO32- ( hàm lượng dinh dưỡng được tính quy đổi ra % SiO2).
Rễ sau khi hấp thu Silic sẽ được vận chuyển và tích tụ ở nhiều vị trí trên cây như:
- Ở xylem (mạch gỗ) và thành tế bào xylem giúp ngăn cản sự sụp đổ khi hô hấp tăng.
- Ở dọc trục rễ và thành trong của biểu bì (endodermis), hoạt động như một cơ chế rào cản rất hiệu quả chống lại sự xâm nhiễm vào trụ giữa của cây do tác nhân bệnh và thực vật ký sinh.
- Ở chồi, lá và thành tế bào biểu bì lá sự phân phối Silic phụ thuộc vào tỉ lệ thoát hơi nước của cây và tích tụ sau khi thoát hơi nước ở giai đoạn cuối giúp chống lại sự mất nước do thoát hơi nước qua lớp cutin và sự xâm nhiễm của nấm.
2. Vai Trò Của Silic Đối Với Cây Trồng
- Cây trồng đáp ứng với Si quan trọng nhất là lúa, có mối tương quan chặt giữa hàm lượng Si trong rơm rạ với năng suất lúa (Park, 1979 – trích dẫn bởi Mengel và Kirkby, 1987), hiệu lực của Si đối với bội thu năng suất hạt lúa rất rõ (Nagabovanalli và công sự, 2002). Hơn nữa, Si cũng có tác dụng tốt lên các yếu tố cấu thành năng suất như số bông, số hạt/bông và % hạt chắc. Silic đặc biệt kích thích sự tái tạo các cơ quan của cây lúa (Mengel và Kirkby, 1987).
- Silic giúp cho lá mọc vươn thẳng, tạo điều kiện cho cây hấp thu ánh sáng tốt hơn, tăng khả năng quang hợp và tăng hiệu lực của phân nitơ.
- Tác dụng tương hỗ giữa silic với photpho giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, cây tăng trưởng nhanh làm pha loãng nồng độ sắt, nhôm trong cây do đó làm tăng khả năng chống chịu phèn cho cây.
- Làm tăng khả năng oxy hóa của rễ lúa làm giảm tác hại do hút quá nhiều sắt và mangan.
- Cần cho sự tạo thành diệp lục, cần thiết cho quang hợp.
- Làm cho cây cứng hơn, chống được đổ ngã do mưa gió.
- Như vậy silic có tác dụng chủ yếu đến tính chống chịu: thiếu ánh sáng, thiếu nước, nhiệt độ cao và sâu bệnh hại.
Hiệu quả của bón Silic cho cây trồng chưa nhiều nhưng kết quả ban đầu cho thấy đối với một số cây như thuốc lá, dưa chuột, ngô và lúa đặc biệt là lúa đồi, lúa mì, lúa mạch cao lương bón Silic lợi nhiều mặt và tăng năng suất.
Vì số lượng silic trong đất cao cho nên định lượng silic trong đất không ích lợi cho việc xác định nhu cầu cần bón.
3. Nguồn Cung Cấp Silic
Silic được sử dụng trong nông nghiệp có từ 2 nguồn:
- Trong tự nhên: hàm lượng Silic trong rơm rạ, vỏ trấu, bã cây mía, vỏ dừa khá cao, nếu khai thác chế biến hợp lý cũng làm tăng hiệu lực của Si và nâng cao hiệu quả của phân hữu cơ – Khoáng (có chứa Si hữu hiệu cao).
- Phân hóa học:
+ Lân nung chảy: 24 - 32% SiO2.
+ Thủy tinh lỏng Na2SiO3: 25 - 27% SiO2.
+ Sodium Silicate Pentahydrate: 28.5 ± 1.0% SiO2.
+ Silico photphat canxi: 10 - 11% SiO2.
+ Xỉ lò cao: 30 – 40% SiO2.
+ Quặng Secpentine: 40-48% SiO2.